Theo tin Wikipedia
Gia phả họ tộc Nguyễn Khoa
tìm kiếm…
Trang chủ Tiểu sử Tin tức Gia phả Tài liệu Thơ văn Hình ảnh Liên hệ
Tiểu sử ngài Nguyễn Khoa Đăng (Đời thứ 5) In E-mail
04/06/2008
ĐỜI THỨ 5.
Nội-tán Hầu NGUYỄN KHOA ĐĂNGKhai-quốc Công-thần
Lúc 18 tuổi Ngài đã ra làm quan, đồng thời với thân-sinh là cụ Bản-trung Hầu Nguyễn Khoa Chiêm cho nên họ Nguyễn-khoa có tiếng “phụ-tử đồng-triều” là từ đời ấy. Chính cụ Bản Trung-hầu cũng ngợi-khen tài thông-minh nhanh-nhẹn của con trai mình.
Trào Minh-mạng năm 1720, Ngài vào cai-trị từ đất Quảng-nam cho đến Phú-yên. Trong ba năm ngài được phong chức Nội-tán, coi hết công việc trọng-đại trong nước, cả quân-sự và dân-sự, được phong là Tổng-tri Trung-ngoại Quân-quốc Trọng-sự, tự đặt ra lệ luật mà cai-trị ở các xứ ây.
Nếu ngày xưa bên Trung Hoa có một Bao Công thì bên Việt Nam ta cũng có một Nội Tán, mà chính danh là Ngài Nguyễn Khoa Đăng, có biệt tài về môn điều tra và xử kiện.
Sở dỉ ngày xưa ba công việc : Điều tra, buộc tội và tuyên án đều tập trung vào quyền hành một người, khác với thời nay, là vì thuở xưa tổ tiên ta áp dụng chế độ nhân trị, lấy đạo đức con người làm căn bản, đặt tất cả tin tưỡng vào lòng nhân nghĩa, thành tín của bốn người trọng yếu trong cuộc là : người đôi, người chối, người chứng và người xử.
Hồi đó chưa có luật sư biện hộ : có chăng là những thầy cung, thầy cò không ra mắt, cặm cụi viết đơn cho khách hàng và chỉ dẫn đường đi nước bước, để kiếm ít tiền trà nước đó thôi.
Từ khi tiếp xúc với Tây Phương, chúng ta đã tiêm nhiễm tinh thần pháp lý và quan niệm phân quyền, ruồng bỏ chế độ nhân trị và chúng ta đã áp dụng chế độ pháp trị, chỉ căn cứ trên pháp luật và những bằng chứng cụ thể mà phán xét.
Tuy nhiên, ngay trong nền pháp lý Tây Phương, chúng ta có thể nhận thấy những điểm dị đồng giữa quan niệm La mã , mà tiêu biểu nhất là nền pháp lý của nước Lang Sa, và quan niệm “Anglo Saxon”, mà tiêu biểu nhất là nền pháp lý của nước Anh Cát Lợi. Nói một cách khác, luật sư biện hộ của nước Lang Sa cố tìm những sơ hở của pháp luật để chứng minh sự vô tội của người có tội hay là sự có tội của người vô tội; Trái lại luật sư biện hộ của nước Anh Cát Lợi, đúng với nền tập quán pháp luật và lương tâm của mình không mấy khi chịu biện hộ cho một kẻ giết người có chủ mưu, như ta đã trông thấy trong một vụ án điển hình đã đưa lên màn ảnh dưới danh đề ” Témoin à charge” ( người chứng buộc tội) mà tài tử Charles Laughton đã diễn xuất một cách siêu đẳng.
Trở về nước ta và lui lại 240 năm, vào đầu thế kỷ thứ 18, chúng ta gặp Ông Nguyễn Khoa Đăng, con thứ hai của Cụ Nguyễn Khoa Chiêm, vì thuộc dòng Danh gia Thế phiệt nên Ông được bổ vào Văn Chức Viên, đời Chúa Hiếu Minh, Nguyễn Phúc Chu ( 1691-1725). Năm Canh Tỵ 1720, Chúa Nguyễn phái Ông vào Quảng Nam, Phú Yên, dinh điền lập ấp. Năm Nhâm Dần 1722, Ông được thăng chức Nội Tán, kiêm Án Sát Sứ, Tổng – Tri Quân-Quốc Trọng-Sự, thân định điều lệ.
Ông đã tỏ ra biệt tài trong bốn việc chính yếu của nền cai trị thời xưa là : Kiều ( cầu cống) – Lương ( lương thực) – Đạo ( đạo tặc) – Lộ ( đường sá) .
Chúng ta sẻ lần lượt nhắc lại những kỳ công của Ngài Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng trong các lãnh vực nói trên.
Việc trước tiên là bình định vùng Hồ Xá, tức Truông nhà Hồ, thuộc phủ Vĩnh Linh, Tỉnh Quảng Trị bây giờ. Ngày xưa ai đi ngang qua Truông này cũng bị giặc cướp đón đường bóc lột. Ông bèn lập kế như sau : Ông cho đóng 20 cái rương ( hòm) cho hai chục người lính có khí giới vào nằm trong rương, rồi cho bốn chục người lính khác giả dạng làm lái buôn khiêng hòm đi qua Truông. Bọn cướp thấy vậy mừng rỡ, liền xông ra đón chặn và lùa về sào huyệt. Khi về tới nơi, chúng định khui hòm để chia của, thì thình lình quân lính của Ngài Nội Tán xông vào bao vây bắt trọn ổ.
Sau đó, Ngài Nội Tán bèn ra lệnh cho dân chúng các vùng lân cận đến Truông Nhà Hồ để chặt cây phá bụi rặm cho khoảng khoát, còn những khách bộ hành khi vào đầu Truông thì có trạm kiểm soát bên kia cứ như vậy, người qua kẻ lại trong một thời gian ngắn đã giúp cho chính quyền bình định được một vùng nổi tiếng đầu trộm đuôi cướp, âu cũng là một lối phát triển cộng đồng mà tiền nhân đã khéo léo áp dụng để đem lại trật tự và ấm no cho dân chúng.
Việc thứ nhì mà ngài Nội Tán đã làm là “Trị Thủy ” như Ông Hạ Vũ này xưa . Ở phía Bắc Thừa Thiên có một xứ gọi là Bầu Ngược thông thương với Phá Tam giang, có những con sóng thần nguy hiểm. Tuy nói là Bầu Ngược , nhưng nước lại chảy xuôi cho nên mới có câu ca dao .
Sông Bầu Ngược nước chảy xuôi,
Bến Kim Đôi thuyền về chiếc.
Đây là vùng Kê Môn , Đại Lược, thuộc huyện Phong Điền, mà ta thường nghe trong một bài dân ca quen thuộc :
Thuyền về Đại Lược,
Duyên ngược Kim Long,
Tới nơi đây chổ rẽ của lòng,
Gặp nhau còn biết trên sông bến nào!
Và nếu trên bờ, ” Đường về Đại Lược nhỏ cát dể đi, thì dưới sông Bầu Ngược, giữa phá Tam Giang, lại bị sóng gió bập bùng, làm cho thuyền bè bao phen chìm đắm. Ngài Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng bèn huy động Đại Đội thuỷ binh và trọng pháo bắn vào ba con sóng thần: Sóng Ông, Sóng Bà va Sóng Con, làm cho chúng nó thất điên bát đảo, cỏng nhau chạy trốn từ Bầu Ngýợc đến bến đò Ca cút.
Xong rồi, ngài Nội Tán mới huy động đại đội Công Binh đào vét lòng sông cho sâu và ngay thẳng để ghe thuyền đi lại dễ dàng. Để ghi ơn Ngài Nội Tán, người đương thời mới đặt ra mấy câu hò rất tình tứ là :
Thương Em Anh cũng muốn vô,
Sợ Truông nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang,
Phá Tam Giang ngày nay đã lặng,
Truông Nhà Hồ Nội Tán dẹp yên !
Dù dẹp yên hay không dẹp yên, ngày nay, vẫn có người liều lĩnh xông pha nơi đèo cao rừng rậm, để tìm giai nhân muôn thuở, như thi sỉ Tản Đà chẳng hạn:
Đường vô xứ Huế quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ,
Yêu nhau anh cứ anh vô,
Kệ Truông nhà Hồ, kệ Phá Tam Giang.
Bài thơ “Chơi Huế”
Nói như vậy, tức là Tản Đà đã gián tiếp tưỡng nhớ ngài Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng, là người công minh chính trực, đã cùng cha là Cụ Nguyễn Khoa Chiêm, chấp chính tại triều đình, đặt ra luât lệ nghiêm nhặt, xử xét mọi việc rất phân minh, trong đó có những việc điển hình xin kể lại sau đây:
Có một người trồng dưa hấu, ban đêm bị kẻ gian manh cắt trộm, chủ vườn đã nhiều phen rình rập mà không bắt được, mới đi kiện lên ngài Nội Tán. Ông bèn trưng tập tất cả những cái liềm cắt cỏ trong ấp, rồi bảo chủ dưa lấy lưỡi liếm thử, chủ dưa nhận thấy có một cái có mùi đắng. Ngài Nội Tán bèn cật vấn người cắt cỏ có cái liềm đó, thì quả thật tên này đã cắt trộm dưa.
Một lần khác, có một người bán dầu bị mất trộm tiền, nghi cho một người mù ăn xin, thường lẫn quẫn bên hàng dầu, bèn đem việc kiện tới Ngài Nội Tán. Ông cho gọi người ăn xin đem tiền ra xem rồi Ông bỏ vào tiền vào chậu nước, thì quả nhiên thấy có mảng dầu nổi lên mặt nước. Khi ấy người ăn cắp hết đường chối cải.
Một lần khác nữa, có kẻ trộm ở hồ Xá ( làng họ Hồ) lấy trộm giấy của một thương nhân, họ không biết đâu truy tầm, bèn đi thưa tới Ngài Nội Tán. Ông lờ đi một thời gian để thiên hạ quên việc ấy, rồi Ông mới thông sức cho dân sở tại làm tờ khai gia đình, để tổ chức liên gia tương trợ. Thiên hạ rủ nhau ra chợ mua giấy, giấy liền lên giá theo luật cung cầu. Tên ăn trộm giấy lật đật đem giấy ra bán và đồng thời cũng nộp mạng luôn cho Ngài Nội Tán.
Để tiểu trừ đạo tặc, Ngài Nội tán có khi phải dùng đến uy lực của thần thánh. Cũng trong vùng này, có một bọn trộm mà Ngài biết rỏ tính danh, nhưng chưa bắt được quả tang, Ngài bèn làm bộ như không biết gì cả. Ngài cho đào một cái hầm, rồi cho một điều tra viên xuống ngồi dưới hầm, còn trên miệng hầm, Ông cho khuân một tảng đá lớn đặt lên. Tảng đá này nguyên đã được dân chúng trong vùng thờ phụng như một vị thần. Nay Ngài Nội Tán rước về, làm lễ bái yết, rồi Ông mời dân chúng đên dự lễ rất đông. Ông mới hỏi thần Đá cho biết tính danh các tên trộm trong vùng. Tức thì trong tảng đá lớn vọng ra một giọng nói uy nghi, kê khai tất cả những tên đạo tặc có thành tích bất hảo. Bọn này sợ ” Trời đánh Thánh vật” bèn thú nhận tất cả.
Ngài Nguyễn Khoa Đăng tính cương trực, không kiêng nể hoàng thân quốc thích, các người này hay ỷ thế bà con với chúa , thường vay mượn tiền của kho, tiêu xài phung phí rồi không chịu trả, Ông bèn tâu với Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu rằng :”Pháp bất vị thân”, hành pháp phải bắt đầu từ người thân thuộc trước để làm gương, thì phép nước mới được dân chúng nghe theo, Chúa Thượng chuẩn y.
Hồi đó có một bà Trưởng công chúa mượn tiền của kho rất nhiều. Người giử kho không dám đòi, đến trình với ngài Nội Tán; Ông bèn thuê bọn nữ tỳ rình khi bà ngồi kiệu đi ra thì đến gần đòi hỏi ráo riết! bà Chúa Nhất giận lắm bèn vào cung khóc lóc với Chúa Thượng rằng: ” Chúa Thượng không bảo lãnh hộ cho một ngườì chị hay sao? lại để cho Nội Tán dám làm như vậy!”.
Chúa Thượng phủ uỷ rằng:” hành pháp phải từ người thân cận làm trước. Nội Tán là người phụng pháp, giờ nói sao đuợc!” Chúa Thượng bèn cho bà một số tiền bảo bà đem trả vào Ngân khố Từ đó, những kẻ mượn tiền đều phải đem trả hết, không dám trì hoãn.
Về phương diện kinh tế, Ngài Nguyễn Khoa Đăng hạn chế việc hạ trâu bò để bán thịt, mục đích khuyến khích nghề nông. Những nhà giàu sang ưa ăn thịt rất lấy làm bực tức. Có Ông Quốc Thúc Công nghỉ kế mời ngài dùng cơm với muối trắng,. Ngài không ăn bỏ ra về.Ông Quốc Thúc Công mới nói móc một câu: ” Ông không ăn cơm muối được, sao Ông lại cấm người ta ăn thịt?” Ngài bình tỉnh trả lời : ” Thịt không ăn mà muối cũng không ăn!”.
Mùa hạ năm Ất Tỵ 1725, Chúa Hiếu Minh Tộ Quốc Công băng hà, Chưởng binh Nguyễn cửu Thế thường ngày đã thù ghét Ngài Nội Tán, bèn thừa cơ mạo di chiếu triệu Ông Nguyễn Khoa Đăng về để dự lễ quốc táng. Khi đi nữa đường, Ông bị họ mai phục và giết chết, thọ 35 tuổi.
Như thế là kết liễu cuộc đời của một Danh thần có tài Kinh bang Tế Thế, mà sử sách lưu truyền và dân gian còn ca tụng cho đến ngày nay.
Cụ Hương Giang Thái Văn Kiểm – Paris Chiêu Anh Cá
https://www.wikiwand.com/vi/Nguy%E1%BB%85n_Khoa_%C4%90%C4%83ng