Tiểu sử họ Nguyễn Khoa
12/07/2007
1. Nguyên quán
Họ Nguyễn Khoa khi xưa là Nguyễn Đình, người ở làng Trạm Bạc, tổng Văn Câu, huyện An Dương, phủ Kính Môn, trấn Hải Dương – bây giờ là tổng Đồng Dụ, huyện An Dương, tỉnh Kiên An (không có phủ) – đến đời thứ ba mới đổi là Nguyễn Khoa, đồng thời với họ Nguyễn nhà vua lót thêm một chữ Phước; như là đức Triệu Tổ tên là Nguyễn Kim, đức Gia-Dũ tên là Nguyễn Hoàng. Đến đời đức Hiếu Văn tên là Nguyễn Phước Nguyên v.v… (theo bộ Ngọc phổ của Hoàng gia).
Từ năm Mậu Ngọ (1557) ngài thủy tổ theo chúa Nguyễn Hoàng vào trấn miền Nam đến 5, 6 đời con cháu ngài đều ra làm quan, nay ở chỗ này, mai ở chỗ khác, tùy theo chỗ ở làm ngự quân, như là đời thứ 6 năm Ất Vị (1775) khi kinh thành Huế thất thủ, cụ Tham Chánh Hiếu Chương Hầu Nguyễn Khoa Thuyên phò vua Định Vương chạy vào Gia Định. Trong thời gian 26 năm về ở tỉnh Vĩnh Long thì lấy Long Hồ làm ngụ quán vậy.
Đến đời thứ 7 năm Minh Mạng thứ 10 (1829) cụ Thành Mỹ Hầu Nguyễn Khoa Minh đương làm chức Thượng Thư bộ Lễ, có sớ tấu xin nhập làng An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên làm chánh quán, vì là lăng mộ ông bà nhiều đời tảng ở đất Nội Táng, thuộc về địa phận của làng ấy. Từ đó về sau họ Nguyễn Khoa là chánh quán ở làng An Cựu.
2. Sự tích làng Trạm Bạc
Làng Trạm Bạc khi xưa thuộc về trấn Hải Dương, phủ Kinh Môn, huyện An Dương, tổng Văn Câu, nay là tỉnh Kiến An, huyện An Dương, tổng Đồng Dụ. Họ Nguyễn Khoa khi xưa ở làng ấy từ năm 1557. Ngài Thủy Tổ theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam cho đến 5, 6 đời gần 300 năm, không có một người nào, một khi nào đi về làng ấy được vì khi ấy Bắc Nam chia rẽ khó nối ra vào.
Đến đời thứ 7 năm Minh Mạng thứ 10 (1829) ngài Thành Mỹ Hầu ra làm quan ở Hà Nội, mới một phen đi về thăm làng. Khi đến đó, chỉ thấy một vùng cây cỏ rậm rì, dân cư không có, tìm kiếm lăng mộ vẫn chưa thấy dấu tích Ngài lấy làm xa xót, toan tính chiêu tập dân về lập nghiệp làng lại. Không ngờ cũng trong năm ấy có chỉ nhà vua đổi về kinh chức, thành thử công việc ngài sắp làm mười phần chưa được chút nào, nhưng ngài cũng thâu góp được một số ít tài liệu đem về.
Sau 20 năm, đến đời thứ 8 năm 1848, cụ Tuần Nguyên Khoa Dục là con trưởng của ngài, ra làm Án Sát tỉnh Quảng Yên cũng nối theo tiền chí mà về thăm làng cũng thấy cảnh tượng điêu tàn như vậy. Cụ đã biết bao công khó tìm kiếm mới ra mộ tổ bằng đất, một bên có một cái miếu cũ, một bên có một cái giếng loạn nước ngọt ở trong đám rừng hoang, xung quanh là ruộng nước mặn. Khi ấy cụ mới khởi công lập làng ấy lại, sai ông Nguyễn Khoa Huấn ở lại coi ngó (ông Huấn là cháu kêu cụ bằng bác ruột, là con thứ ba của cụ An Nhơn). Công việc bề bộn, nào là mua đá thanh xây mộ, làm bia, có làm một cái đình ngói, đào một cái hồ chứa nước ngọt, đắp một cái đập dài ngăn nước mặn, chiêu tập dân làng ấy về được ba gia đình họ Lê, họ Nguyễn, họ Bạch, sắm cho họ đủ dụng cụ làm nông nghiệp. Lần hồi dân làng ấy trở về càng ngày càng đông. Mỗi năm cụ có làm hai lễ tế thần linh và tiên tổ. Bài ký trong bia còn biên lại sau này.
Đến đời thứ 10, 11, năm 1924 hai vợ chồng ông Nguyễn Khoa Tự, hiện làm việc kho bạc ở Sài Gòn, ra Bắc có về thăm làng viếng mộ, khi ấy ông Nguyễn Khoa Toàn đương học trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội cũng có đi, ba bà con chưa rõ đường sá phải dò hỏi tò mò biết bao là công khó, mới tìm được làng, thăm được mô vây. Hai vợ chồng ông tự có làm sính lễ mà cúng tế ở nhà thờ và thiết đãi người làng, sau lại cũng có đi ra mấy lần nữa, có cúng một ít từ khí và một bức hoành to có khắc năm chữ : “NGUYỄN KHOA TỘC KHAI CANH” treo chính giữa đình để làm kỹ niệm. Cái đình ấy xưa nay làng vẫn thờ cụ Tuần như một vị thành hoàng, một ông khai canh (có sắc phong thần). Hiện bây giờ làng Trạm Bạc đã trù mật lắm.
Ngôi mộ tổ ở làng Trạm Bạc tục gọi là mộ ông Nghè. Đến bây giờ gần 400 năm con cháu mới có ba lần đi ra đến đó.
3. Đường đi về làng Trạm Bạc
Đi xe hỏa đường Hà Nội – Hải Phòng. Lên xe từ ga Hà Nội cho đến ga Dụ – Nghĩa, xuống đi đường bộ ba cây số đến nơi bến đò Rế, qua bên kia sông là địa phận tỉnh Kiên An, huyện An Dương, lại đi thêm một đoạn nữa độ hai cây số thì đến làng Trạm Bạc. (Bây giờ đường bộ đã có xe ngựa cho thuê ở lại).
4. Sự tích đất Nội Táng
Đất Nội Táng có từ khi nào ? Và của ai tạo mà ra ?
Đất Nội Táng có từ năm 1635 hồi chúa Nguyễn dời đô về Thuận Hóa, tổ đời thứ ba của mình mới mua một đám đất ở xu Cồn Mô và quy mộ ông bà về ( Tổ thứ ba là Nguyễn Khoa Danh). Qua đời thứ tư, ngài Tham Chính Bản Trung Hầu Nguyễn Khoa Chiêm có trưng khẩn thêm. Đến đời thứ năm, ngài Nội Táng Hầu Nguyễn Khoa Đăng lại có tấu xin trưng cả trong khe ngoài khe rộng gần trăm mẫu chia làm ba vùng để làm đất mộ riêng của họ Nguyễn Khoa, đời đời được miễn thuế, nên chi tục truyền là đất Nội Táng.
Từ đời xưa đến nay lễ chạp mộ ở Nội Táng cứ cử hành trong ngày 24 tháng 11 là ngày kỵ của ông tổ đời thứ ba để cho nhớ cái công đức của ngài đã sáng tạo đất Nội Táng trước hết.
Nhưng trong một thời gian loạn ly, ông bà theo vua vào Gia Định, ở nhà họ chiếm đoạt đi nhiều.
Sau khi Gia Long phục quốc, bà đệ tứ cung tân là Nguyễn Khoa Thị Thu là con gái thứ hai của ngài Tham Chánh Hiếu Chương Hầu Nguyễn Khoa Thuyên tức là thím dâu của vua Gia Long, tâu xin phục trưng lại đất ấy để qui táng mộ thân phụ bà là ngài Hiếu Chương Hầu (mất ở Quy Nhơn) và thân đệ bà là ngài Trịnh Tường Hầu (mất ở Hà Nội) đều là các vị khai quốc công thần có danh tiếng. Tuy vậy đất Nội Táng cũng chỉ còn lại hơn một phần ba mà thôi.